Đời tư Minh_Thành_Tổ

Chọn ngôi Thái tử

Minh Thành Tổ có bốn con trai, 3 người đầu được sinh bởi Từ Hoàng hậu, người con út chết non. Trong đó người con thứ 3 Chu Cao Toại tuổi nhỏ, nên ngôi Thái tử là cuộc tranh giành giữa người con trưởng Chu Cao Sí và con thứ là Chu Cao Hú. Chu Cao Sí dáng người mập mạp, lại hay bệnh tật từ nhỏ, tính tình lại hiền lành, thích đọc sách, trái ngược với Thành Tổ là người tàn nhẫn và hiếu võ nên vua không thích người con này. Chu Cao Hú lại giống cha, diện mạo khôi ngô, tính nóng nảy lại thích giết người, võ nghệ giỏi giang, không thích đọc sách, khi có loạn Tĩnh Nan, cầm quân một phía chống lại quan quân triều đình, lúc Thành Tổ gặp nguy từng lấy thân ra chắn cho cha, nên được vua rất yêu thích.

Thành Tổ lên ngôi, muốn lập con thứ, nhưng bị Từ Hoàng hậu và các đại thần phản đối, lý do là theo tổ chế phải lập trưởng không lập ấu, vả lại Cao Sí lúc chiến tranh ở hậu phương gìn giữ căn cứ trước quân triều đình, chi viện cho đại quân, công lao không kém Cao Hú, lại không phạm lỗi lầm, phải lập làm Thái tử. Vua còn do dự, các đại thần tâu rằng: "Xin hãy xem cháu của bệ hạ". Chu Cao Hú dòng dõi không vượng, ít con. Còn dòng Chu Cao Sí thì thịnh vượng, con trưởng của Cao Sí là Chu Chiêm Cơ tuổi nhỏ lại gan dạ, tính thông minh, giỏi cả văn võ. Thành Tổ không thích con trưởng nhưng lại cực kỳ quý đứa cháu này. Tương truyền 100 ngày sau khi Minh Thái Tổ mất, lúc ấy vợ của Chu Cao Sí đang mang thai, Yên Vương Chu Đệ nằm mộng thấy cha mình trao cho ông ngọc tỷ ám chỉ rằng ngôi vua sẽ thuộc về ông. Chu Đệ tỉnh dậy, cùng ngày Chu Chiêm Cơ (Minh Tuyên Tông sau này) ra đời, Chu Đệ cho rằng đứa bé là điềm lành, khi lớn lên lại thông minh gan dạ, Chu Đệ cho rằng đứa cháu chính là Thái Tổ đầu thai nên quý lắm. Khi nghe các đại thần tâu, vua quyết định ngay, lập Chu Cao Sí làm thái Thái tử.

Chu Cao Hú thấy vậy tức lắm, bàn mưu với Kỷ Cương muốn học cha mình, đem quân tạo phản. Mưu mô bị phát giác, Kỷ Cương bị tru di, còn Chu Cao Hú bị bắt đến trước mặt Thành Tổ. Vua giận lắm, muốn giết Cao Hú. Thái tử lại niệm tình anh em, xin tha chết cho Cao Hú, vua liền mắng Thái tử là đồ lòng dạ đàn bà nhưng quả thật không nỡ giết con. Chu Cao Hú lại lập lời thề độc nếu mang lòng phản nghịch nữa thì bị ném vào vạc dầu. Vua bèn hỏi cháu là Chu Chiêm Cơ, lúc này mới hơn 10 tuổi: "Chú của cháu mang lòng phản, Trẫm ở đây nó không dám làm gì, Trẫm không còn nữa, nó lại mưu nghịch thì sao?", Chu Chiêm Cơ đáp rằng:"Cháu không sợ". Vua nghe thế vui lắm liền tha mạng cho Chu Cao Hú, nhưng bị biếm đi làm Hán Vương ở Vân Nam. Sau này vào thời Tuyên Đức, Chu Cao Hú lại muốn làm phản, Chu Chiêm Cơ đích thân dẫn quân đến bắt được, hành quyết mấy người con trai của Hán Vương cùng mấy trăm quan viên. Còn Chu Cao Hú thì bị trói vào cột mà thiêu tới chết cho ứng với lời thề.

Nghi án về mẹ đẻ

Sách Minh thực lục do Minh Thành Tổ Chu Đệ sau khi lên ngôi chủ trì biên soạn, cũng như các sử liệu chứng thích từ Minh sử đều nói rằng, Chu Đệ là do Mã Hoàng hậu sinh ra. Chu Đệ có ba người anh, tức Thái tử Chu Tiêu, Tần vương Chu Sảng, Tấn vương Chu Cương. Chu Đệ là con trai thứ 4 và bên dưới còn một người em cũng do Mã Hoàng hậu sinh ra là Chu Túc. Tuy nhiên, các văn nhân thời Minh và Thanh thì đều cho rằng, chính sử đã “bịa chuyện”, và mẹ ruột của Chu Đệ là Cống phi (碽妃)[8], vốn là một phụ nữ người Triều Tiên và từng là phi tần của Nguyên Thuận Đế.

Căn cứ Minh sử, 5 người con trai của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đều do Hiếu Từ Cao Hoàng hậu Mã thị sinh ra. Tuy nhiên dựa vào việc Chu Đệ sinh vào ngày 17 tháng 4 (âm lịch) năm Chí Chính thứ 20 (1360), và Hoàng ngũ tử Chu Định vương Chu Túc sinh vào ngày 9 tháng 7 (âm lịch) sang năm (1361), chỉ 1 năm mà tới 2 người con, đấy là cơ sở nghi vấn liệu Mã Hoàng hậu có thực sự là sinh mẫu của các hoàng tử của Chu Nguyên Chương, và có nghi ngờ toàn bộ cả 5 không do Mã Hoàng hậu sinh ra. Sách Tội duy lục (罪惟錄) của người Minh ghi chép lại đương thời, song đã từng nhắc đến "Có người nói Cao Hoàng hậu không con", chứng tỏ việc này đã sớm bị người Minh hoài nghi, chưa nói đến về sau. Bên cạnh đó, Phụng sứ lục (奉使录) của người Triều Tiên đương thời cũng ghi lại nhận định Chu Đệ không phải do Mã Hoàng hậu sinh ra. Theo đó, những ghi chép về Cống phi không còn nhiều, song nhiều người cho rằng, là một hậu phi trong hậu cung nhà Nguyên của Nguyên Thuận Đế, được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương giữ lại làm chiến lợi phẩm sau khi đuổi được nhà Nguyên ra khỏi Trung Quốc.

Đối với quan niệm Cống phi là mẹ của Chu Đệ, có rất nhiều người nhận định và tin tưởng[9][10][11]. Một tài liệu khác gọi là Nam Kinh Thái thường chí (南京太常志) ghi lại cụ thể: ["Thần vị ở Hiếu lăng, bên Tả là một người Thục phi họ Lý, sinh Ý Văn Thái tử (Chu Tiêu), Tần Mẫn vương và Tấn Cung vương. Bên Hữu là vị Cống phi, sinh Thành Tổ Văn Hoàng đế, Tôn Quý phi, sinh Chu vương"; 孝陵神位,左一位淑妃李氏,生懿文太子、秦愍王、晉恭王。右一位碽妃,生成祖文皇帝,孫貴妃生周王。]. Nhưng thời điểm cả nhà Lý Thục phi đến cậy nhờ Chu Nguyên Chương, thì Chu Tiêu đã được ra trước đó 1 năm. Sách Tĩnh Chí cư thi thoại (靜志居詩話) của Chu Di Tôn (朱彝尊), cuốn 13, nhan đề Thẩm Nguyên hoa điều (沈元華條) có viết: ["Phụng Tiên Miếu chế (Nam Kinh Thái Miếu Phụng Tiên điện), cao về phía mặt Nam, chư Phi đều ở phía Đông, riêng phía Tây chỉ chừa 1 vị Cống phi, cứ theo Nam Kinh Thái thường chí. Cao hậu sinh thời thiện lương nhưng chưa từng có mang, dẫu cho Trường lăng (ý nói Chu Đệ), đến Ý Văn Thái tử cũng không phải Hậu sở sinh"; 奉先廟制(南京太廟奉先殿)高後南面,諸妃盡東列,西序惟碽妃一人,具載南京太常寺志。善高后從未懷妊,豈惟長陵,即懿文太子亦非后生也。]. Tuy nhiên Cống phi theo ghi chép là đến Trung Quốc vào năm 1365, mùa xuân, khi Chu Đệ đã 5 tuổi, thật sự khó có thể xem là mẹ đẻ. Bên cạnh đó, "Thái thường tự chí" được nhắc đến bên trên, phần nhiều đã được chứng minh là bóp méo sai sự thực, và người bóp méo là Trương Đình Ngọc, khi soạn sử Minh nhưng "hư hư thực thực" biên vào các ký lục truyền miệng[12].

Một học giả khác là Lưu Kế Trang (劉繼莊) nhận định mẹ đẻ của Chu Đệ là người Mông Cổ, dựa theo Quảng Dương tập ký (廣陽雜記) của ông ghi lại: ["Sinh mẫu của Minh Thành Tổ là Ung thị, người Hoằng Cát Lạt Mông Cổ, nguyên là Nguyên Thuận Đế phi, có sự chuyện lạ bên trong"; 明成祖母為甕氏,蒙古弘吉剌人,以其為元順帝妃,故隱其事。]. Tuy nhiên, việc nhà Minh đem quân áp đảo và đánh vào nhà Nguyên diễn ra năm 1368, Chu Đệ khi ấy đã 9 tuổi.